Dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi không khó để nhận biết nhưng có nhiều phụ huynh lại không nắm được. Sặc sữa ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, đặc biệt là khi sữa bị chảy vào phổi của trẻ sơ sinh.
Sặc sữa vào phổi là gì?
Sặc sữa vào phổi xảy ra khi sữa bị hít vào đường hô hấp, bao gồm khí quản, phế quản và phế nang. Điều này dẫn đến tắc nghẽn đường thở, gây khó khăn trong việc trao đổi khí, có thể dẫn đến thiếu oxy. Trong trường hợp nghiêm trọng, sặc sữa vào phổi có thể gây tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Thông thường, khi trẻ bú, sữa sẽ đi qua thực quản và xuống dạ dày. Tuy nhiên, do sự phối hợp giữa các cơ trong vùng hầu họng của trẻ chưa hoàn thiện, sữa có thể đi sai đường và vào khí quản. Nắp thanh quản, bộ phận có chức năng ngăn thức ăn và chất lỏng đi vào đường thở, chưa hoạt động hiệu quả ở trẻ sơ sinh, khiến trẻ dễ bị sặc. Ngoài ra, trẻ gặp các vấn đề liên quan đến nuốt cũng có thể khiến trẻ bị sặc sữa vào phổi.
Nhận biết 6 dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi
Sặc sữa vào phổi thường xảy ra nhanh chóng và có thể xuất hiện trong khi trẻ đang bú hoặc ngay sau khi bú. Ba mẹ cần chú ý những dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi dưới đây để phát hiện và xử lý kịp thời:
- Trẻ đang bú thì đột ngột ngừng bú hoặc giảm lực bú.
- Ho, nghẹn hoặc thở khò khè.
- Khó thở, thở nhanh hoặc ngưng thở đột ngột.
- Trẻ có hiện tượng nôn trớ khi bú.
- Mặt nhăn nhó, da trở nên tím tái.
- Sữa chảy ra từ mũi hoặc miệng.
Xem thêm: 2 Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý Khi Trẻ Bị Sặc Sữa
Nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị sặc sữa vào phổi
Bên cạnh các dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi, bạn cũng nên biết sặc sữa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Tư thế bú không đúng hoặc trẻ bú khi đang khóc, cười, hoặc không tập trung.
- Sữa chảy quá nhanh, khiến trẻ không kịp nuốt. Điều này có thể xảy ra khi núm vú bình sữa quá to hoặc sữa mẹ tiết ra quá nhiều.
- Trẻ mắc các vấn đề về đường tiêu hóa hoặc hô hấp như trào ngược dạ dày thực quản, hoặc gặp các vấn đề bẩm sinh về miệng và thanh quản.
- Trẻ sinh non, có vấn đề về thần kinh hoặc đã trải qua các can thiệp y tế như mở khí quản.
Sặc sữa vào phổi có nguy hiểm không?
Có. Nếu không được xử lý kịp thời, trẻ có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng phổi, và viêm phổi tái phát. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, ba mẹ phải biết rõ những dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi đó nhé!
Chẩn đoán sặc sữa vào phổi ở trẻ
Khi trẻ có dấu hiệu bị sặc sữa, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được bác sĩ kiểm tra và điều trị. Các phương pháp chẩn đoán sặc sữa có thể bao gồm:
- Chụp X-quang hoặc CT ngực;
- Siêu âm phổi;
- Nội soi khí quản;
- Xét nghiệm với thuốc cản quang.
Cách xử lý khi bé sơ sinh bị sặc sữa vào phổi
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sặc sữa, điều đầu tiên ba mẹ cần làm là ngừng ngay việc bú và giữ trẻ ở tư thế ngồi thẳng để giúp trẻ tự ho và tống sữa ra khỏi đường thở. Sau đó, ba mẹ nên dùng khăn mềm lau sạch vùng miệng và mũi của trẻ.
Nếu có dụng cụ hút chuyên dụng, ba mẹ có thể hút sữa và chất sặc từ miệng và mũi của trẻ. Trong trường hợp không có dụng cụ, ba mẹ có thể dùng miệng để hút sữa, bắt đầu từ miệng rồi đến mũi.
Nếu trẻ vẫn chưa tự thở được, ba mẹ cần thực hiện các thao tác cấp cứu sau:
- Vỗ lưng: Đặt trẻ nằm sấp trên đùi, đầu thấp hơn ngực và vỗ 5 lần vào giữa hai vai theo hướng từ dưới lên.
- Ấn ngực: Đặt trẻ nằm ngửa và ấn nhẹ vào xương ức liên tiếp 5 lần.
Nếu sau các bước này, trẻ vẫn chưa thở được, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.
Bài viết đã cung cấp 6 dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi để ba mẹ có thể nhận biết và xử lý kịp thời. Ngoài ra, ba mẹ cũng cần biết các nguyên nhân gây sặc sữa và những biện pháp xử lý tại chỗ. Trẻ sơ sinh bị sặc sữa là vấn đề khá phổ biến, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Chúc ba mẹ có hành trình chăm con thật tốt!
One thought on “6 Dấu Hiệu Trẻ Bị Sặc Sữa Vào Phổi Mà Ba Mẹ Cần Lưu Ý”