Khi trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình, các bậc phụ huynh thường cảm thấy lo lắng không biết đó có phải là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó hay không. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng này và cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon không vặn mình nhé!
Nguyên Nhân Sinh Lý Khiến Trẻ Sơ Sinh Ngủ Hay Vặn Mình
Trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình có thể do nhiều nguyên nhân sinh lý khác nhau, mà phổ biến nhất là:
Cơ thể chưa phát triển đầy đủ: cơ thể trẻ vẫn chưa hoàn thiện, những phản xạ co tay chân, giật mình, quơ quào tay chân, vặn mình đều là bình thường và không cần can thiệp điều trị gì.
Trẻ đói hoặc muốn đi vệ sinh: Khi trẻ đói, rặn đi vệ sinh, trẻ có thể có những động tác vặn mình để thể hiện nhu cầu.
Chỗ ngủ không thoải mái: Nệm không êm, hoặc quần áo chật chội có thể khiến trẻ không thoải mái và vặn mình nhiều khi ngủ. Bên cạnh đó, môi trường ồn ào, quá sáng hoặc quá ô nhiễm có thể gây khó chịu cho bé, làm bé vặn mình vì khó ngủ. Tã ướt cũng là một trong những nguyên nhân làm bé yêu thấy “khó ở” và làm trẻ sơ sinh vặn mình liên tục khi ngủ.
➤ Xem thêm: 4 Cách Luyện Tự Ngủ Cho Bé 3 Tháng Tuổi
Nguyên Nhân Bệnh Lý Khiến Trẻ Sơ Sinh Vặn Mình Khi Ngủ
Trẻ sơ sinh vặn mình kèm một số triệu chứng khác như vã mồ hôi, quấy khóc,… thì có thể trẻ đang mắc một hoặc vài vấn đề bệnh lý. Một số nguyên nhân bệnh lý có thể gây ra tình trạng này bao gồm:
Hạ canxi máu: Thiếu hụt canxi có thể gây co giật và vặn mình ở trẻ.
Bệnh lý thần kinh bẩm sinh: Các vấn đề về thần kinh từ khi sinh ra có thể khiến trẻ có những phản ứng vặn mình.
Trào ngược dạ dày: bệnh lý tiêu hóa này gây khó chịu và có thể khiến trẻ vặn mình trong giấc ngủ. Bên cạnh đó, trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh còn gây nôn trớ sữa, ọc sữa ở trẻ.
Các vấn đề về da liễu: eczema (viêm da cơ địa), côn trùng đốt hoặc các phản ứng dị ứng khác cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh vặn mình liên tục khi ngủ do ngứa ngáy, khó chịu, đau rát.
Trẻ Sơ Sinh Vặn Mình Liên Tục Khi Ngủ Có Tác Hại Gì?
Trẻ sơ sinh vặn mình khi ngủ không phải là hiện tượng bất thường hay đáng lo ngại. Tuy nhiên, vặn mình quá nhiều lần có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài, nó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần được chú ý.
Cách Giúp Trẻ Sơ Sinh Ngủ Ngon Không Vặn Mình
Để giải quyết tình trạng trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình, có thể áp dụng các biện pháp sau:
Bổ sung canxi và cho trẻ tắm nắng: Giúp cải thiện tình trạng hạ canxi máu ở trẻ, kích thích sản sinh vitamin D giúp điều hòa vận chuyển canxi và tăng cường sức đề kháng.
Hát ru, vỗ về trẻ: tạo cảm giác an toàn và thoải mái cho trẻ khi ngủ là một mẹo giúp trẻ sơ sinh không bị vặn mình đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả cao.
Massage cho trẻ: giúp trẻ thư giãn, cải thiện tình trạng lưu thông máu, giúp trẻ dễ ngủ hơn và ít vặn mình hơn khi ngủ.
Cho trẻ ăn và đi vệ sinh trước khi ngủ: để giảm thiểu tình trạng trẻ sơ sinh vặn mình liên tục khi ngủ do các vấn đề sinh lý cơ bản, đảm bảo trẻ không bị đói hoặc khó chịu do tã ướt.
Kiểm tra môi trường ngủ của trẻ: Đảm bảo giường ngủ thoải mái, êm ái, không quá chật chội, ồn ào và không có các chất gây kích ứng cho trẻ.
Cho trẻ đi khám nếu không cải thiện: Nếu các biện pháp trên không mang lại kết quả, mẹ nên cân nhắc đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
➤ Xem thêm: 4 Điều Mẹ Cần Biết Khi Dùng Gối Chống Trào Ngược Cho Bé
Có Nên Quấn Chặt Trẻ Khi Ngủ Để Giảm Vặn Mình Không?
Quấn chặt trẻ có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn, tạo cảm giác như môi trường trong bụng mẹ và giảm thiểu việc vặn mình. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng việc quấn không làm trẻ cảm thấy khó chịu hoặc ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của trẻ.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về nguyên nhân và cách giải quyết tình trạng trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình. Hy vọng rằng qua bài viết này, các bậc phụ huynh có thể hiểu hơn về tình trạng của con mình và áp dụng các biện pháp phù hợp để giúp trẻ có một giấc ngủ ngon và sâu hơn, mẹ nhé!
➤ Xem thêm: Top 5 Mẹo Dân Gian Chữa Vặn Mình Ở Trẻ Sơ Sinh
2 thoughts on “Trẻ Sơ Sinh Ngủ Hay Vặn Mình: Nguyên Nhân và Giải Pháp”